Kinh nghiệm đi khám ở bệnh viện Bạch Mai
- Tác giả: Thanh Tùng - Cập nhật: 29/07/2022
- Tham vấn y khoa: BS. Lê Văn Điển
Kinh nghiệm đi khám tổng quát tại bệnh viện Bạch Mai là thông tin mà nhiều người muốn biết. Được biết đến là một trong những bệnh viện lớn của cả nước với nhiều ưu điểm nổi bật, Bạch Mai luôn là địa chỉ khám chữa bệnh ưu tiên của người dân phía Bắc và miền Trung. Tuy nhiên, với quy mô và số lượng bệnh nhân lớn như như hiện nay, việc khám chữa bệnh sẽ gặp không ít khó khăn, đặc biệt với những người lần đầu tới khám bệnh. Chính vì vậy, trong bài viết dưới đây Sức khỏe Online 365 xin chia sẻ lại kinh nghiệm đi khám ở bệnh viện Bạch Mai để những ai có ý định tới khám chữa bệnh tại đây có được sự chuẩn bị tốt nhất.
Thông tin về bệnh viện Bạch Mai
Bệnh viện Bạch Mai là cái tên không còn xa lạ với người dân cả nước, đặc biệt là người dân thủ đô và các tỉnh khu vực phía Bắc và miền Trung. Đây là 1 trong 5 bệnh viện hạng đặc biệt của Nhà nước hiện nay với lịch sử hình thành và hoạt động hơn 100 năm.
Bệnh viện hiện có quy mô hơn 1900 giường bệnh với nhiều đơn vị trực thuộc bao gồm: 3 viện, 08 trung tâm, 12 phòng/ban chức năng, 23 khoa lâm sàng, 6 khoa cận lâm sàng… Trung bình, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng từ 6.000 – 8.000 bệnh nhân tới thăm khám và chữa trị. Chính vì vậy, tình trạng quá tải thường xuyên diễn ra.
Đa phần, bệnh nhân tới khám bệnh tại đây đều là đi khám chuyên khoa, khám bệnh đa khoa, những trường hợp bệnh nặng hoặc việc điều trị ở cơ sở y tế tuyến dưới không mang lại kết quả tốt. Với thế mạnh về nguồn nhân lực chất lượng cao cùng hệ thống thiết bị y tế tiên tiến, hiện đại, quy trình thăm khám và kết quả điều trị tại đây luôn đảm bảo độ chính xác và an toàn cao.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện Bạch Mai không hề thua kém các bệnh viện hàng đầu của các nước trong khu vực. Những năm trở lại đây, bệnh viện đã không ngừng nghiên cứu và áp dụng các kỹ thuật chuyên sâu vào điều trị như: ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh lý mạch vành, siêu âm cản âm cơ tim, sửa thay van tim qua đường ống thông, lọc máu ngắt quãng đào thải chất độc… Chính vì vậy, đây là địa chỉ khám chữa bệnh được người bệnh an tâm, tin tưởng lựa chọn hiện nay.
Hình ảnh sơ đồ tổng quan bệnh viện Bạch Mai
Khám tổng quát ở bệnh viện Bạch Mai thì khám khoa nào?
Trước khi đi khám tổng quát tại bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi cũng đã có thử tìm kiếm thông tin trên website của bệnh viện về chuyên khoa phụ trách khám sức khỏe tổng quát. Kết quả là bệnh viện hiện nay vẫn chưa có một đơn vị độc lập nào chuyên cung cấp dịch vụ khám sức khỏe tổng quát cho người bệnh.
So với bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đây là một điểm khá hạn chế. Theo đó, ở bệnh viện 108, Trung tâm khám sức khỏe định kỳ được thành lập vào năm 2018 nhằm phục vụ và đáp ứng nhu cầu khám sức khỏe tổng quát ngày càng cao của người dân, cá nhân và tổ chức.
Như vậy, khi đi khám tổng quát ở bệnh viện Bạch Mai, người bệnh vẫn phải đến khám tại khoa khám bệnh thông thường hoặc khoa khám bệnh theo yêu cầu theo địa chỉ sau đây:
- Khoa khám bệnh thông thường
Địa chỉ: Tòa nhà 4 tầng Khoa khám bệnh – Bệnh viện Bạch Mai
Số lượng bệnh nhân tới khám tại đây mỗi ngày rất đông, trung bình khoảng từ 3.500 – 5000 người/ngày. Vì vậy, để tránh việc phải chờ đợi quá lâu, người bệnh nên đi khám sớm.
- Khoa khám bệnh theo yêu cầu
Địa chỉ: Ngay tay phải cổng chính (78 Giải Phóng, Đống Đa)
Theo kinh nghiệm đi khám tổng quát ở bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi khuyên bạn nên lựa chọn hình thức khám bệnh theo yêu cầu. Tuy chi phí có cao hơn một chút so với khám thông thường nhưng người bệnh không phải chờ đợi lâu, tránh được tình trạng mệt mỏi, khó chịu, đặc biệt là vào những ngày hè nắng nóng.
Thời gian làm việc của các khoa tại bệnh viện
Hầu hết các khoa trực thuộc bệnh viện Bạch Mai đều làm việc từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần. Trong đó, khoa khám bệnh và khám bệnh bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện có làm việc vào cuối tuần.
Nếu bạn có ý định đi khám sức khỏe tổng quát tại bệnh viện Bạch Mai, cần lưu ý một số vấn đề về thời gian khám chữa bệnh tại các khoa như sau:
- Khoa khám bệnh: Làm việc từ thứ 2 – thứ 7. Buổi sáng từ 6h30 đến 12h00, buổi chiều bắt đầu từ 13h30 đến 18h00.
- Khoa khám bệnh theo yêu cầu: Làm việc từ thứ 2 đến chủ nhật, từ 6h30 đến 18h00.
Lưu ý rằng các khoa khám bệnh tại bệnh viện luôn đông đúc bệnh nhân. Vì vậy, để hạn chế việc phải chờ đợi lâu, bạn nên đến sớm hơn giờ khám bệnh.
Chi phí khám tổng quát hết bao nhiêu tiền?
Cũng như nhiều bệnh nhân khác, chúng tôi đến khám chữa bệnh tại đây ban đầu cũng rất thắc mắc về chi phí khám tổng quát tại bệnh viện Bạch Mai hết bao nhiêu tiền. Tìm hiểu trên website của bệnh viện hay bảng giá khám bệnh đặt ở sảnh chờ cũng không thấy thông tin về các gói khám cũng như chi phí cụ thể cho từng gói khám.
Tuy nhiên khi đến gặp bác sĩ, bày tỏ thắc mắc của bản thân, chúng tôi mới biết rằng không thể đưa ra gói khám niêm yết cho tất cả các trường hợp bệnh nhân tới khám tổng quát. Nguyên nhân là bởi điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tình trạng người bệnh, gói khám lựa chọn, số lượng các xét nghiệm… Cụ thể:
- Tình trạng sức khỏe người bệnh: Nếu người bệnh có sức khỏe tốt, thường đi khám sức khỏe định kỳ thì giá khám tổng quát sẽ thấp hơn so với những người khám tổng quát lần đầu hoặc đi khám khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường.
- Gói khám bệnh lựa chọn: Hiện nay có nhiều gói khám sức khỏe khác nhau từ gói khám thông thường, gói khám bộ phận đến gói khám tổng quát, gói khám chuyên sâu. Theo đó, nếu lựa chọn gói khám chuyên sâu với nhiều hạng mục thăm khám, đòi hỏi những yêu cầu cao về năng lực bác sĩ thực hiện và hệ thống thiết bị máy móc thì giá khám sức khỏe sẽ cao hơn so với gói khám bệnh thông thường.
Bảng giá khám chữa bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện Bạch Mai
Nhìn chung, khám sức khỏe tổng quát tại bệnh viện hiện nay bao gồm các hạng mục thăm khám sau:
1. Thăm khám với bác sĩ chuyên khoa.
2. Xét nghiệm huyết học: Nhằm kiểm tra số lượng hồng cầu, bạch cầu, công thức bạch cầu, tiểu cầu.
3. Xét nghiệm máu sinh hóa: Kiểm tra chỉ số đường, mỡ trong máu, kiểm tra chức năng thận, men gan.
4. Xét nghiệm nước tiểu: Kiểm tra những bất ổn ở đường tiết niệu, thận, bàng quang.
5. Chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng: Siêu âm ổ bụng, điện tim, chụp Xquang tim phổi.
Với gói khám sức khỏe tổng quát cơ bản này, người bệnh thông thường sẽ phải trả khoảng từ 1 – 2 triệu đồng/lần khám. Ngoài ra, nếu cần phải làm thêm một số các dịch vụ chụp chiếu, xét nghiệm chuyên sâu khác như: xét nghiệm tầm soát ung thư, xét nghiệm viêm gan, siêu âm vú, siêu âm tuyến giáp… Giá khám có thể tăng thêm từ 1- 2 triệu đồng nữa, rơi vào khoảng 2 – 4 triệu đồng.
Bên cạnh đó, nếu lựa chọn gói khám bệnh theo yêu cầu, thăm khám bệnh với Giáo sư, Phó Giáo sư, chi phí khám sức khỏe tổng quát cũng sẽ cao hơn. Vì vậy, người bệnh nên tham khảo, trao đổi kỹ với bác sĩ trước khi thực hiện.
Trước khi đi khám tổng quát cần chuẩn bị những gì?
Không phải bất kể lúc nào bạn cũng có thể được các bác sĩ thăm khám sức khỏe tổng quát ngay. Điều này cần có sự chuẩn bị trước vừa để quá trình thực hiện diễn ra nhanh chóng, vừa đảm bảo kết quả kiểm tra được chính xác, an toàn.
Theo đó, kinh nghiệm đi khám tại bệnh viện Bạch Mai tiếp theo mà chúng tôi muốn chia sẻ tới bạn đọc là những lưu ý trước khi đi khám bệnh. Cụ thể, người bệnh cần thực hiện một số việc làm sau đây:
- Sắp xếp thời gian hợp lý: Số lượng bệnh nhân tới khám bệnh tại bệnh viện Bạch Mai là rất đông. Vì vậy, bạn cần có sự chuẩn bị trước, sắp xếp công việc và thời gian hợp lý (thường là nửa ngày đến cả ngày) để thăm khám bệnh.
- Chuẩn bị chi phí: Bao gồm tiền khám và cả tiền dự phòng mua thuốc nếu có.
- Nhịn ăn sáng và không sử dụng chất kích thích: Bạn nên nhịn đói ít nhất 8 tiếng trước khi đến khám. Có thể uống nước lọc nhưng không uống trà, cà phê hay các chất kích thích khác để không làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Ngoài ra, trước khi siêu âm bụng khoảng 1 giờ, bệnh nhân nên uống nhiều nước và nhịn tiểu để làm đầy bàng quang. Trong trường hợp không thể nhịn tiểu, bạn nên thông báo với nhân viên y tế để được trợ giúp.
- Mặc đồ rộng rãi: Nhằm giúp người bệnh có được cảm giác thoải mái, giúp bác sĩ dễ dàng thăm khám.
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ: Nên tắm rửa sạch sẽ trước khi đi khám. Tuy nhiên, không nên sử dụng các dung dịch vệ sinh có tính tẩy rửa, không sử dụng chất khử mùi, nước hoa hoặc kem bôi bên dưới cánh tay và vùng ngực vì có thể làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
- Nắm bắt các vấn đề sức khỏe của bản thân: Tiền sử bệnh, các loại thuốc đang hoặc sử dụng gần đây.
- Chuẩn bị trước câu hỏi để hỏi bác sĩ: Nhằm nắm bắt đầy đủ các thông tin về tình trạng sức khỏe của bản thân.
Ngoài ra, đối với nữ giới, các xét nghiệm như: sinh thiết tế bào âm đạo, xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm phân chỉ được thực hiện sau khi hết chu kỳ kinh nguyệt 5 ngày. Nếu bạn đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai cần thông báo với nhân viên y tế để có thể lựa chọn các xét nghiệm phù hợp, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.
Đi đến bệnh viện Bạch Mai bằng cách nào?
So với trước đây, việc di chuyển đến bệnh viện Bạch Mai để thăm khám bệnh hiện nay trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Người bệnh có thể lựa chọn di chuyển bằng xe bus, taxi hay xe ôm. Dưới đây là một số kinh nghiệm đi khám ở bệnh viện Bạch Mai mà chúng tôi muốn chia sẻ tới bạn đọc:
Các bến xe gần bệnh viện Bạch Mai
Với những người dân ở các tỉnh thành khác muốn tới bệnh viện để thăm khám thường sẽ di chuyển bằng xe khách. Tùy vào vị trí của các tỉnh mà người bệnh nên lựa chọn bến xe phù hợp. Khi đến bến xe, người bệnh có thể lựa chọn đi xe bus, taxi hay xe ôm để tới bệnh viện. Cụ thể:
- Bến xe Giáp Bát: Cách bệnh viện khoảng 4km.
- Bến xe Nước Ngầm: Cách bệnh viện khoảng 6km.
- Bến xe Mỹ Đình: Cách bệnh viện khoảng từ 10 – 12km.
- Bến xe Gia Lâm: Cách bệnh viện trong khoảng từ 11 – 13km.
- Bến xe Yên Nghĩa: Nếu đi qua Quốc Lộ 6, khoảng cách là khoảng 13,5km nhưng nếu đi qua Lê Trọng Tấn/đường Phúc La- Văn Phú thì khoảng cách tới bệnh viện sẽ lên tới 17,8km.
Các tuyến xe bus đi qua bệnh viện Bạch Mai
- Tuyến bus 03: Bến xe Giáp Bát – bến xe Gia Lâm.
- Tuyến bus 21A: Bến xe Giáp Bát – bến xe Yên Nghĩa.
- Tuyến bus 21B: Khu đô Thị Pháp Vân – bến xe Mỹ Đình.
- Tuyến bus 23: Nguyễn Công Trứ - Vân Hồ - Long Biên – Nguyễn Công Trứ.
- Tuyến bus 25: Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2) – Bến xe Giáp Bát.
- Tuyến bus 28: Bến xe Giáp Bát – Đại học Mỏ.
- Tuyến bus 32: Bến xe Giáp Bát – Nhổn.
- Tuyến bus 41: Nghi Tàm – Bến xe Giáp Bát.
- Tuyến 99: Kim Mã – Bệnh viện Nội tiết (cơ sở 2).
Kinh nghiệm đi khám ở bệnh viện Việt Đức
Kinh nghiệm khám bệnh viện đại học y Hà Nội
Một số lưu ý khi đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai
Sau khi hoàn thành việc thăm khám tại đây, tôi xin chia sẻ cho mọi người một số kinh nghiệm đi khám tổng quát ở bệnh viện Bạch Mai như sau:
- Số lượng bệnh nhân ra vào ở đây rất đông nên người bệnh tốt nhất nên đi khám sớm, trước cả giờ bác sĩ làm việc để lấy số thứ tự sớm.
- Khi xếp hàng khám bệnh, người bệnh nên chú ý tới tài sản cá nhân của bản thân như: ví tiền, điện thoại để tránh trường hợp kẻ xấu lợi dụng nơi đông người để thực hiện trộm cắp.
- Không nên đi khám một mình để đề phòng một số trường hợp sức khỏe không tốt.
- Là môi trường khám bệnh với nhiều bệnh nhân nên khi đi khám tổng quát tại đây bạn nên mang theo khẩu trang y tế để đề phòng trường hợp lây nhiễm các bệnh.
- Cố gắng nhịn ăn sáng để đảm bảo các thủ tục xét nghiệm được diễn ra chính xác.
Tham khảo gói khám tổng quát tại phòng khám đa khoa Hưng Thịnh 380 Xã Đàn, Hà Nội
Trên đây là một số chia sẻ về kinh nghiệm đi khám tại bệnh viện Bạch Mai. Hi vọng qua bài viết, những ai đang có ý định thăm khám bệnh tại đây sẽ cảm thấy yên tâm hơn, có sự chuẩn bị tốt nhất để quá trình khám chữa bệnh được diễn ra nhanh chóng, chính xác, an toàn và tiết kiệm.